10 sai lầm phổ biến trong quản trị nhân sự
10 sai lầm phổ biến trong lãnh đạo và quản trị nhân sự
Người ta thường nói rằng sai lầm là cơ hội tốt để học tập. Tuy nhiên, nếu không mắc sai lầm ngay từ đầu thì tốt hơn! Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét 10 sai lầm phổ biến trong lãnh đạo và quản trị nhân sự. Đồng thời, bài viết cũng sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể để tránh mắc phải những sai lầm đó. Nếu có thể biết trước các sai lầm qua bài viết này thay vì phải trải nghiệm chúng trong thực tế, bạn sẽ tránh khỏi được rất nhiều vấn đề!
1. Không đưa ra ý kiến phản hồi
Sarah là một nhân viên bán hàng tài năng, nhưng cô có thói quen trả lời điên thoại thiếu chuyên nghiệp. Cấp trên của cô biết điều này, nhưng ông này chờ đến buổi đánh giá thành tích để chỉ ra sai lầm của Sarah. Làm vậy, Sarah sẽ tiếp tục làm mất lòng khách hàng tiềm năng cho đến khi có người chỉ ra lỗi của cô.
Theo cuộc khảo sát 1.400 các cán bộ cấp cao được thực hiện bởi Ken Blanchard, thiếu phản hồi là sai lầm mà các nhà lãnh đạo hay gặp phải nhất. Khi không nhanh chóng đưa ra những phản hồi cho nhân viên của mình, bạn đang lấy đi cơ hội cải thiện hiệu quả của người nhân viên.
Để tránh mắc sai lầm này, hãy học cách đưa ra ý kiến phản hồi thường xuyên hơn với những nhân viên của mình.
2. Không dành thời gian cho đội ngũ
Trong vai trò nhà quản lý hay quản trị nhân sự, bạn dễ bị cuốn vào công việc của mình đến mức không còn thời gian cho đội ngũ. Đúng là bạn có những dự án cần phải thực hiện nhưng nhân viên là một ưu tiên quan trọng. Nếu không có mặt khi nhân viên cần đến bạn, họ sẽ không biết phải làm gì, và họ cũng sẽ không có sự hỗ trợ cũng như sự chỉ dẫn cần thiết để có thể hoàn thành mục tiêu công việc.
Hãy tránh sai lầm này bằng cách đưa vào lịch làm việc của bạn những khoảng thời gian dành riêng cho nhân viên, và học cách tích cực lắng nghe đội ngũ của mình. Hãy phát triển trí tuệ xúc cảm để bạn có thể nhận biết những nhu cầu của đội ngũ, và dành ra một khoảng thời gian nhất định mà những nhân viên cần sự giúp đỡ có thể tìm đến bạn. Bạn cũng có thể áp dụng phương pháp Quản Lý Bằng Quan Sát. Đây là một cách hiệu quả để hiểu rõ nhân viên của bạn.
Khi đã ở vị trí lãnh đạo hoặc quản trị nhân sự, nhân viên phải là ưu tiên một. Đây chính là mấu chốt của thực hành lãnh đạo tốt!
3. Quá buông lỏng
Một thành viên trong nhóm của bạn vừa hoàn thành một dự án quan trọng. Vấn đề là anh này hiểu sai yêu cầu dự án, và bạn không giữ liên lạc với người này khi dự án đang diễn ra. Giờ đây dự án đã cho ra kết quả sai và bạn phải giải trình với một khách hàng không hài lòng.
Nhiều nhà lãnh đạo muốn tránh việc quản lý tiểu tiết. Nhưng áp dụng một chính sách trái ngược hoàn toàn (phong cách quản lý buông lỏng) cũng không phải là một ý hay. Bạn cần tìm ra sự cân bằng giữa hai thái cực này.
4. Quá thân thiện
Hầu hết lãnh đạo đều muốn được nhìn nhận là thân thiện và dễ gần với những người trong đội nhóm của mình. Xét cho cùng, nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc cho những quản lý mà họ sẵn có một quan hệ tốt. Dù vậy, đôi khi bạn cũng cần phải đưa ra những quyết định khó khăn, và một vài người sẽ muốn lợi dụng mối quan hệ với bạn nếu như bạn quá thân thiện với họ.
Điều này không có nghĩa rằng bạn không được giao tiếp với nhân viên. Nhưng bạn cần phải tìm ra được sự cân bằng giữa việc làm bạn và làm sếp.
Hãy học cách tránh khỏi sai lầm này với bài viết của chúng tôi, Giờ Bạn Là Sếp. Đồng thời, hãy vạch ra ranh giới rõ ràng, để đội ngũ của bạn hiểu rằng họ không thể lợi dụng bạn.
5. Không định rõ mục tiêu
Khi nhân viên không có mục tiêu rõ ràng, họ sẽ làm việc mất định hướng. Nhân viên không thể làm việc hiệu quả nếu không rõ mình đang làm gì, hay không biết ý nghĩa của công việc. Họ cũng không thể ưu tiên khối lượng công việc một cách có hiệu quả, và điều này có nghĩa là những dự án và nhiệm vụ sẽ hoàn thành theo những thứ tự sai.
Bạn nên tránh sai lầm này bằng cách thiết lập mục tiêu theo mô hình SMART. Hãy sử dụng công cụ Team Charter để định hướng đường đi cho đội ngũ, và chi tiết hóa các nguồn lực khả dụng. Thêm vào đó, hãy áp dụng các nguyên tắc Quản Lý Theo Mục Tiêu để sắp xếp mục tiêu của đội ngũ của bạn nhất quán với mục tiêu của cả tổ chức.
6. Hiểu sai động cơ
Bạn có thật sự hiểu động cơ làm việc của các nhân viên? Đây là một gợi ý nhỏ: nhiều khả năng không phải vì tiền đâu! Nhiều lãnh đạo và quản trị nhân sự sai lầm khi cho rằng nhân viên làm việc vì tiền. Tiền chưa chắc đã là động cơ duy nhất thúc đẩy nhân viên làm việc.
Ví dụ như những người muốn tìm sự cân bằng cuộc sống/công việc có khả năng sẽ được thúc đẩy bởi khả năng làm việc từ xa hoặc làm việc linh hoạt. Những người khác lại thích các yếu tố như thành tích, thêm trách nhiệm, sự tán thưởng, hoặc tình đồng nghiệp.
7. Tuyển mộ gấp gáp
Khi khối lượng công việc quá lớn, sẽ cần phải có đủ người để xử lý chúng. Tuy vậy, lấp vị trí trống quá vội vàng có thể sẽ đem lại nhiều kết quả rất tai hại.
Tuyển mộ gấp gáp có thể dẫn đến tình trạng tuyển sai người: ví dụ những người không sẵn sàng hợp tác, làm việc không hiệu quả hay năng suất kém. Những nhân viên mới cũng có thể cần được huấn luyện bổ sung, và làm chậm bước của những người khác trong nhóm. Với nhân sự sai, bạn sẽ mất thời gian và nguồn lực quý báu nếu mọi việc không thành và người này nghỉ việc. Tệ hơn nữa, những thành viên khác sẽ cảm thấy căng thẳng và bất bình khi phải “chống đỡ” cho người mới.
Để tránh sai lầm này, bạn có thể học cách tuyển dụng hiệu quả và kén cá chọn canh hơn khi chọn lựa thành viên trong đội nhóm của bạn.
8. Không làm gương
Nếu bạn dùng thời gian làm việc để gọi điện thoại cá nhân, hoặc nói xấu giám đốc của mình, bạn có thể hy vọng nhân viên không làm những hành động tương tự không? Câu trả lời có lẽ là không!
Là một lãnh đạo, bạn cần phải làm gương cho đội ngũ của mình. Có nghĩa là nếu nhân viên phải làm việc ngoài giờ, bạn cũng nên ở lại trễ để giúp đỡ họ. Hoặc nếu tổ chức của bạn có luật cấm không được ăn uống tại bàn làm việc, bạn nên làm gương và đi đến phòng nghỉ giải lao để ăn trưa mỗi ngày. Trong thái độ công việc cũng vậy. Nếu đôi khi bạn thể hiện cảm xúc tiêu cực, bạn không thể hy vọng nhân viên của mình không làm vậy.
Vì thế hãy nhớ rằng, đội ngũ của bạn luôn luôn quan sát bạn. Nếu bạn muốn uốn nắn hành vi của họ, hãy bắt đầu từ chính bản thân mình. Rồi họ sẽ làm theo bạn thôi.
9. Không giao việc
Vài quản lý không giao việc vì cảm thấy rằng chỉ có bản thân họ mới có thể làm những công việc quan trọng một cách đúng đắn. Điều này có thể gây ra những vấn đề lớn khi công việc bị tắc nghẽn ở khâu của họ, và chính bản thân họ sẽ trở nên căng thẳng và quá tải.
Ban đầu, hoạt động giao việc sẽ tốn nhiều sức lực, và bạn có thể cảm thấy khó tin tưởng đội ngũ của mình. Nhưng nếu không giao việc cho người khác, bạn sẽ không bao giờ có thời gian để tập trung vào công việc quản lý hay lãnh đạo: nhìn bao quát vấn đề. Thêm nữa, bạn sẽ không thể phát triển nhân viên để những người này có thể giúp bạn giải tỏa áp lực công việc.
Để biết liệu bạn có đang gặp phải vấn đề này không, hãy làm bài kiểm tra tương tác, Bạn Có Giao Việc Tốt Hay Không?
10. Hiểu sai vai trò của mình
Một khi đã trở thành người lãnh đạo hay quản trị nhân sự, vai trò của bạn sẽ hoàn toàn khác.
Tuy vậy, sẽ rất dễ quên rằng công việc của bạn đã thay đổi, và giờ đây bạn phải sử dụng những kỹ năng khác để có thể lãnh đạo hiệu quả. Điều này có thể khiến cho bạn quên không hoàn thành nghĩa vụ của bạn – lãnh đạo và quản lý.
Thay lời kết
Chúng ta ai cũng mắc phải sai lầm, và có những sai lầm mà các nhà lãnh đạo và quản lý luôn gặp phải. Những sai lầm này bao gồm không cho ý kiến phản hồi, quá buông lỏng, không giao việc hiệu quả, và hiểu sai vai trò của mình. Sai lầm là cơ hội để học tập. Nhưng, dành thời gian để nhận biết và tránh những lỗi thường gặp có thể giúp bạn làm việc hiệu quả và thành công hơn. Đồng thời cũng giúp bạn giành được sự kính trọng từ nhân viên.